Có nên nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ nhỏ?
(Đối với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ từ 1 tuổi trở lên)
1. Trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn gia vị không?
Thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng việc nêm gia vị vào thức ăn của trẻ trong giai đoạn tập ăn dặm là không nên.
Điều này cũng không hoàn toàn sai, bởi đối với trẻ từ 6 – dưới 12 tháng tuổi, mẹ không nên thêm các gia vị như đường, muối, bột ngọt hoặc bột nêm vào thức ăn của bé.
2. Các loại gia vị mà trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn
Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, mẹ cần tránh nêm thêm muối, bột ngọt, đường hay bột nêm vào thức ăn của con. Đây đều là những gia vị không tốt cho sức khỏe, cũng như sự phát triển của trẻ, cụ thể:
Muối: Gây ảnh hưởng đến chức năng thận của trẻ. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, cơ quan thận vẫn còn non nớt. Mẹ nên cho trẻ hấp thu lượng natri thông qua các thực phẩm tự nhiên thay vì sử dụng muối hay nước mắm.
Bột ngọt và bột nêm: Những loại gia vị này thường chứa hàm lượng Glutamate cao, gây ức chế hệ thần kinh của trẻ và gây ra cảm giác khó chịu kèm theo một số triệu chứng co giật, hoặc đau đầu ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
Đường: Việc cho trẻ ăn đường quá sớm sẽ dễ hình thành nên thói quen ăn uống kém lành mạnh cho trẻ sau này.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tránh nêm thêm các gia vị cay nồng quá sớm vào thức ăn của con. Những gia vị này dễ gây khó chịu cho hệ tiêu hoá cũng như vị giác của trẻ.
3. Các gia vị mẹ nên nêm vào thức ăn cho bé dưới 1 tuổi
Khi nêm gia vị vào thức ăn của trẻ dưới 12 tháng, mẹ nên chọn các loại đến từ thảo mộc tự nhiên, vừa đảm bảo độ lành tính, vừa cung cấp đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể trẻ. Việc cho trẻ ăn gia vị thảo mộc không những giúp món ăn trở nên hấp dẫn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Mẹ có thể cho bé ăn các loại gia vị thảo mộc như hành lá, rau mùi, húng quế, tỏi nghiền nhỏ, bạc hà, quế, gừng,... Những gia vị này khi cho vào món ăn dặm sẽ giúp trẻ khám phá nhiều hương vị mới lạ khi ăn, đồng thời hạn chế nguy cơ kén ăn khi trẻ lớn lên.
Ngoài những gia vị trên, dầu ăn cũng được coi là một loại gia vị cần thiết cho trẻ nhỏ. Mẹ có thể chọn các loại dầu từ thực vật và nêm thêm khi chế biến các món ăn dặm cho con, giúp con ăn ngon chóng lớn.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý hàm lượng sử dụng dầu thực vật cho món ăn của trẻ, chỉ nên cho khoảng 1/2 – 1 muỗng cà phê dầu ăn cho mỗi khẩu phần, tránh dùng quá 4 ngày/ tuần.
4. Một số lưu ý quan trọng khi cho trẻ ăn gia vị
Bên cạnh việc lựa chọn những loại gia vị nêm nếm phù hợp và an toàn cho thức ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi, các mẹ cũng nên quan tâm đến những điều có thể giúp con làm quen với gia vị dễ dàng hơn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà mẹ cần lưu ý khi bắt đầu “chiến dịch” tập cho trẻ ăn gia vị khi bắt đầu ăn dặm:
Chọn các loại gia vị sạch và nên nấu chín tất cả nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trong quá trình tập ăn dặm.
Mặc dù tình trạng dị ứng gia vị khá hiếm khi xảy ra. Tuy vậy, mẹ vẫn nên cho con ăn riêng từng loại gia vị và quan sát phản ứng của bé trong vòng một vài ngày trước khi đổi sang loại khác.
Khi trẻ đã quen dần, mẹ có thể tiến hành kết hợp nhiều loại gia vị thảo mộc khác nhau trong cùng một món ăn nhằm kích thích vị giác của trẻ khám phá ra nhiều hương vị hơn, đồng thời tăng thêm độ ngon miệng cho bé.
Kiên nhẫn là chìa khóa quan trọng giúp bé sớm làm quen được các loại gia vị ăn dặm. Trong lần đầu tiên, bé có thể không thích ăn, tuy nhiên mẹ không nên bỏ cuộc ngay mà kiên nhẫn đợi vài ngày sau rồi cho con thử lại.
Khi chế biến, mẹ nên sáng tạo món ăn dặm cùng các loại gia vị thảo mộc. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn khi ăn và nhận được nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn.
Cho trẻ ăn dặm và làm quen với các loại gia vị là một cuộc hành trình dài với đầy thách thức và khó khăn cho các bậc phụ huynh khi mới bắt đầu thực hiện. Để bé có một giai đoạn ăn dặm hạnh phúc nhất, cha mẹ cần trang bị các kiến thức về dinh dưỡng cũng như chăm sóc trẻ hợp lý nhất.